Lạng Giang: mô hình nuôi Thỏ cho thu nhập cao

Ngày đăng:25-01-2018 (1458 lượt xem )

Chung "Thỏ" đó là biệt danh mọi người ở thôn Đại Phú 2, xã Phi Mô (Lạng Giang) trìu mến gọi anh Đào Duy Chung 48 tuổi (sinh năm 1969) từ nuôi thỏ không chỉ thu lãi từ 400 đến 500 triệu đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm cho 10 lao động tại chỗ.

Anh Đào Duy Chung (người cầm Thỏ) ở Đại Phú 2, Phi Mô, Lạng Giang nuôi thỏ có thu nhập 500 triệu đồng/năm.

Hơn 20 năm trước, khi mới lập gia đình anh Chung đã nhận thấy làm ruộng khó khăn, đã quyết khăn gói vào miền nam tìm nghề phù hợp để học nhưng không thành. Anh xoay sang đi buôn hàng từ Lạng Sơn về cũng chẳng được là bao. Khi đó ở quê anh người ta nuôi một số con đặc sản nhưng hái ra tiền, anh nghỉ đi chợ và gom góp chút vốn mua Lợn rừng về nuôi cùng với Ngan Pháp. Được vài lứa, thì lợn rừng bị mất giá, lãi suất kém. Còn nuôi ngan Pháp, kỹ thuật khá phức tạp, chỉ phù hợp với chăn nuôi quy mô nhỏ, nên anh cũng bỏ. Nguồn thu nhập của gia đình lại trông vào vài sào ruộng khoán. Đang loay hoay tìm hướng đi mới trong làm kinh tế gia đình, thì đầu năm 2012 anh may mắn được đi dự Hội thảo của Công ty Nippon Suki (Tập đoàn Nippon Nhật bản, địa chỉ Phố Mới, Quế Võ, Bắc Ninh) về chăn nuôi thỏ làm nguyên liệu chiết xuất Vaccine và các sản phẩm liên quan để xuất khẩu. Lúc đó thì anh mới biết: dự án đã có từ lâu, nhưng thiếu thông tin không nắm được. Tại Hội thảo, anh Chung tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi thỏ và quyết định đi theo con đường mới này. Tháng 10/2012, anh Chung mua 10 Thỏ nái trị giá gần 5 triệu đồng để nuôi thí điểm. Do chăm sóc đúng quy trình, thỏ lớn nhanh, sinh sản nhiều và đều, chất lượng sản phẩm đảm bảo yêu cầu của Công ty. Có mối tiêu thụ ổn định, anh tiếp tục nhân đàn. Năm 2014, số thỏ nái của anh lên đến 90 con và giữ ổn định cho đến nay. Mỗi năm thỏ nái để trung bình 5 lứa và mỗi lứa có từ 5 đến 10 con. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, anh xây phòng lạnh để nuôi thỏ nái. Thỏ nái được nuôi trong phòng lạnh, cứ 45 ngày cho một lứa con mới. Thỏ con nuôi 3 tháng rưỡi tuổi thì được xuất bán. Công ty đến mua trực tiếp và cung cấp cám, vaccine. Mỗi ngày thỏ ăn 2 lần, đến lúc được xuất bán mỗi con ăn hết 6 kg cám. Qua chăn nuôi anh Chung nhận thấy: Thỏ là con vật ít bị dịch bệnh, chỉ phải tiêm Vaccine phòng bệnh bại huyết do Công ty cung cấp. Còn các bệnh tụ huyết trùng, nấm kẽ khi phát hiện được bệnh chỉ điều trị bằng thuốc thú y thông thường. Khi thỏ đạt "biểu" (trong lượng quy định của Công ty) 2,3 kg/con xuất bán được 178.000 đồng. Những con to, anh chọn riêng để bán giống được 120.000 đồng/kg. Còn những con không đạt thì bán thịt giá từ 75.000 đến 90.000 đồng. Do dùng để chiết xuất Vaccine, nênviệc thu mua phải kiểm tra nghiêm ngặt sản phẩm. Qua thực tiễn sản xuất, anh được Công ty tín nhiệm đặt điểm thu mua duy nhất trong vùng tiêu thụ cho hơn 30 hộ nuôi thỏ trong và ngoài huyện. Anh Đào Duy Chung cho biết:"Trước đây có một số hộ nuôi thỏ, nhưng không tuân thủ quy trình kỹ thuật, thường cho ăn cám ngoài luồng nhằm giảm chi phí, nên thỏ bị bệnh chết đến 30%. Số còn lại chất lượng kém, công ty không mua đã bị lỗ vốn...".

Vào khu chuồng chăn nuôi thỏ của anh Chung đó là khu nhà rộng 180m2, được bố trí 3 dãy chuồng bằng kim loại, có quạt mát, cửa sổ lấy ánh sáng, có lối đi ở giữa. Mỗi chuồng có khoảng 8 đến 10 con thỏ các lứa tuổi, kế bên là căn nhà cấp 4 làm theo kiểu kẻ chuyền 5 gian cũng được cải tạo lại để nuôi. Anh Chung cho biết: mỗi tháng anh xuất 280 - 300 con thỏ cho Công ty và bán giống, trừ chi phí cho lãi ổn định 14 đến 15 triệu đồng. Với đàn thỏ trên 1.000 con lớn nhỏ, mỗi ngày anh chỉ dành 2 giờ rưỡi để cho ăn, quét dọn, rửa chuồng là xong, còn lại làm công việc khác, nghỉ ngơi và giao lưu với bè bạn. Anh Chung khẳng định: "Nuôi Thỏ khá đơn giản, sản phẩm được bao tiêu ổn định, thức ăn, Vaccine do Công ty cung cấp. Đến lứa họ về tận nhà cân. Nếu chăn nuôi quy mô lớn, mỗi lao động sẽ nuôi được từ 120 đến 150 Thỏ nái vẫn nhàn".

Thu hoạch giun Quế.

Tận dụng phế thải sau chăn nuôi, anh còn nuôi thêm giun quế dưới gầm chuồng thỏ, nhằm vệ sinh và tăng nguồn phụ thu. Giun quế phân hủy chất thải của thỏ, lớn nhanh, khử được mùi. Mỗi tháng, anh bán giun được 4 triệu đồng tiền giun, Chất còn lại tơi xốp làm phân bón cây trồng rất tốt. Không chỉ vậy, anh Chung còn mở xưởng làm chuồng thỏ bán phục vụ người chăn nuôi, tạo việc làm cho 10 lao động có mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng. Từ xưởng này mỗi năm gia đình anh có thêm nguồn thu trên 100 triệu đồng. Biết tiếng, khách hàng từ Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quang Ninh, Lạng Sơn đến thăm quan, học tập và mua con giống và chuồng về nuôi...

Từ nuôi thỏ, anh Đào Duy Chung thu xấp xỉ nửa tỷ đồng mỗi năm, xây dựng được nhà cửa khang trang, có nhiều tiện nghi đắt tiền và tạo việc làm cho lao động trong thôn. Gia đình anh không làm ruộng, chỉ chuyên tâm vào nuôi thỏ. Vợ anh là nhân viên bán dược phẩm ở bệnh viện Hà Nội-Bắc Giang. Con gái lớn học đại học Dược Hà Nội và cháu thứ hai học ở Trung học cơ sở. Cuộc sống của gia đình trở lên khá giả, đầm ấm, hạnh phúc. Qua mô hinh nuôi thỏ của anh Đào Duy Chung đã khẳng định"ly nông bất ly hương" vẫn có thể làm giàu.    

Thân Văn Phương

Đài Lạng Giang

Các tin tức khác:

DANH MỤC
Liên hiệp hội đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
Slide
Ban Chấp hành khóa IV ra mắt Đại hội
Slide
GS. TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam phát biểu chỉ đạo Đại hội
Slide
Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu
Slide
LIÊN KẾT WEBSITE
Thống kê truy cập
  Số người online:  6
  Hôm nay:  665
  Tháng này:  44446
  Tổng số truy cập:  2611580